Cattour

Điểm đến

Bạn quan tâm chủ đề gì?

Nhà tù Phú Quốc - địa ngục chốn trần gian trên đảo Ngọc

26/03/2019

Nhắc đến Phú Quốc người ta sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển trong lành, mát rượi; những bãi cát trắng mịn như nhung; những hàng dừa, hàng phi lao đung đưa trong gió. Nhưng trên hòn đảo xinh đẹp này lại có một nơi chứa đầy tội ác và máu của một lịch sử đau thương đã qua. Đó là Nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc này có gì mà lại được mệnh danh là địa ngục trốn trần gian, hãy cùng Khamphaphuquoc.vn tìm hiểu về nhà tù này trên đảo Ngọc nhé.

1. Nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ chiến tranh

Nhà tù Phú Quốc hay còn gọi là nhà lao Cây dừa, là nơi giam giữ các tù nhân chính trị và những chiến sĩ, những người đã chiến đấu chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhà tù này ẩn giấu một thời kỳ đau thương, bị tra tấn dã man của những chiến sĩ Việt Nam.

Nhà tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc
 

Nhà tù Phú Quốc là một nhà được xây dựng tại Làng Cây Dừa ở thị trấn An Thới, phía nam đảo Phú Quốc từ thời thuộc địa Pháp. Nên trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, nhà tù này thường được gọi là Trại Cây dừa. Trong thời kỳ chiến tranh kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng nghìn tù nhân là những chiến sĩ cách mạng, tù binh chiến tranh đã bị bỏ tù và tra tấn vô cùng dã man.

Trong thời kỳ Pháp chiếm đóng, Nhà lao Cây dừa được gọi là trại Cây Dừa có diện tích khoảng 40 ha, bao gồm bốn khu là A, B, C, D được sử dụng để giam giữ những người chiến đấu chống Pháp. Các tù binh cộng sản bị Pháp bắt từ các chiến trường Bắc, Trung, Nam Việt Nam bị tập trung và đưa ra trại giam này ở Phú Quốc. Số tù binh này gồm khoảng 14 nghìn người, đa số từ nhà tù Đoạn Xá (Hải Phòng).Trại được chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 1953 và đóng cửa vào tháng 7 năm 1954 (khi các tù nhân của hai bên được trở về).

Nhà tù Phú Quốc
Phân khu B trong nhà tù Phú Quốc
 

Cuối năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa xây dựng một trại giam ở địa điểm trại Cây Dừa cũ, với diện tích rộng 4 ha, đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa.

Năm 1966, khi chiến tranh Việt Nam leo thang, số tù binh tăng cao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng thêm một trại giam rộng hơn 400 ha ở thị trấn An Thới, cách trại Cây Dừa cũ 2 km, trở thành nhà tù đương đại lớn nhất với tên là Trại tù binh chiến tranh Phú Quốc, Trại tù binh Phú Quốc hay Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc lúc này có 12 khu vực được đánh số từ 1 đến 12 mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D. Mỗi phân khu, ngoài 9 phòng để tù binh ở, có 2 phòng để thẩm vấn, phạt vạ hoặc biệt giam tù binh. Tất cả 11 phòng đều có cấu trúc vì kèo sắt, nóc tôn, vách tôn, mỗi phòng bề ngang 5 mét, dài 20 mét, hai đầu chừa hai lối ra vào, bề ngang khoảng 8 tấc và mỗi bên vách tôn có 4 cửa sổ, dưới vách tôn có khoảng trống chừng 3 tấc, có rào dây kẽm gai.

Nhà tù Phú Quốc
Các phòng giam trong nhà tù
 

Khu 13 và 14 được xây dựng vào cuối năm 1972. Để canh gác khu trại giam, chung quanh mỗi khu giam có một pháo đài canh gác có đặt súng đại liên; tại cổng chính của khu giam có 2 vọng gác; một vọng tổng kiểm soát đốc canh, 2 giờ thay phiên gác một lần, liên tục 24/24 giờ; hai xe tuần tra liên tục quanh khu giam; ban đêm còn có các toán vào vòng rào giới hạn để kiểm soát lưu động tại các phân khu và 10 vọng gác di động.

Nhà tù Phú Quốc
Những trại gác luôn có lính canh giữ đề phòng tù binh chạy trốn
 

Trong thời kỳ chiến tranh, các tù nhân trong nhà tù Phú Quốc đã phải chịu nhiều sự tra tấn dã man và tàn bạo như đóng đinh vào tay, chân và đầu; bị đâm bằng dây thép nóng đỏ, đục răng, nén vào chảo nước sôi, chôn sống, thiêu sống... Trong thời gian tồn tại, trong nhà tù Phú Quốc đã có hàng nghìn người bị chết, hàng chục ngàn người bị thương phế và tàn tật.

Nhà tù Phú Quốc
Những hình thức tra tấn dã man
 

2. Nhà tù Phú Quốc hiện nay

Khu di tích lịch sử ngày nay nằm trong khu vực chính của nhà tù cũ, trong đó có một ngôi nhà cổ hai tầng và một khu triển lãm ngoài trời gồm các hiện vật nguyên bản. Nhà tù Cây dừa được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1995, kể từ đó, địa điểm này mở cửa cho du khách đến tham quan.

Trong nhà tù Phú Quốc, có một tượng đài hình bàn tay là biểu tượng của sự áp bức dữ dội và tinh thần dũng cảm của tù nhân. Bên cạnh đó, nghĩa trang liệt sĩ, và khu vực trại tù binh Phú Quốc đã được xây dựng lại và duy trì. Hàng năm, hơn 10 nghìn du khách đến địa điểm lịch sử này ở Phú Quốc. Nhiều người trong số họ là cựu tù nhân đến đây để thăm lại nhà tù cũ. Nhiều du khách trẻ từ khắp nơi không quên ghé qua trang này sau khi ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng ở Phú Quốc. Ngày nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến địa điểm lịch sử đặc biệt. Nhiều sinh viên thường ghé vào đây để tìm hiểu về một lịch sử đấu tranh dân tộc kiên cường.

Nhà tù Phú Quốc
Đâì tưởng niệm ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ anh dũng
 

Đến với nhà tù Phú Quốc, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy tất cả những hình phạt và sự tra tấn khủng khiếp và tàn bạo như chuồng cọp kẽm gai, đóng đinh vào cơ thể, gõ thùng...được dựng lại bằng mô hình. Càng chứng kiến, bạn càng có thể hiểu được lòng dũng cảm và sự hi sinh lớn lao của những chiến sĩ cách mạng thời bấy giờ. Đến thăm nhà tù này, bạn sẽ biết nhiều hơn về lòng yêu nước của người Việt Nam . Tham quan Nhà tù Phú Quốc là một trong những điều nên làm khi đến Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc

Những tù binh luôn phải chịu sự tra tấn tàn bạo

Nhà tù Phú Quốc
Chuồng cọp kẽm gai
 

Lưu ý: Nếu bạn đi cùng trẻ em thì không nên cho trẻ em đi đến nhà tù này vì có rất nhiều hình ảnh dã man được mô phỏng lại bằng mô hình không phù hợp với trẻ nhỏ.

Tham khảo thêm tour du lịch Phú Quốc trọn gói của Cattour để có một chuyến du lịch ưng ý nhất và đừng quên dành một chút thời gian ghé thăm nhà tù Phú Quốc.
Thông tin hữu ích:
Đoàn Thư /  Khamphaphuquoc.vn - Ảnh: Internet


Xem thêm: Địa điểm du lịch

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục