Cattour

Kinh nghiệm

Bạn quan tâm chủ đề gì?

Đến Phú Quốc thăm 2 ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực vị anh hùng của dân tộc Việt Nam

21/02/2019

Đền thờ Nguyễn Trung Trực được người dân Phú Quốc xây dựng để tưởng nhớ vị anh hùng đã kiên cường chiến đấu và hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà du khách nào cũng biết và ghé thăm khi đến Phú Quốc  nhưng lại là ngôi đền đã, vẫn đang và sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống của người dân Phú Quốc.

I. Vài nét về anh hùng Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực (1837 – 1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ, Việt Nam.

Nguyên quán gốc của Nguyễn Trung Trực ở trấn Bình Định (nay là tỉnh Bình Định). Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ.

Năm 1859, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ.

Năm 1861, ông đã chỉ huy đánh thắng một trận rất lớn trên sông Nhật Tảo (Bến Lức), đốt cháy tàu L'Espérance của Pháp. Sau đó, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục chiến đấu qua lại trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa.

Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực nhận chức Lãnh binh, đưa quân về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi thì tòa thành này đã bị quân Pháp chiếm mất vào ngày 24 tháng 6 năm 1867.

Không theo lệnh triều đình rút quân ra Bình Thuận, Nguyễn Trung Trực đem quân về lập mật khu ở tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Từ nơi này, ông lại dẫn quân đến Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lập thêm căn cứ kháng Pháp.

Ở Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực UBND tỉnh Kiên Giang). Kết thúc trận, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày.

Tuy nhiên sau đó, Pháp phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông (Kiên Lương, Kiên Giang) rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn. Sau một thời gian kiên cường chiến đấu, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp vây bắt tại Phú Quốc. Ông nhận án tử hình ở Rạch Giá vào tháng 10 năm 1868.

Khi ông bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ lúc bấy giờ vừa dụ hàng vừa hăm dọa, Nguyễn Trung Trực đã trả lời rằng: “Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào ngài cho trừ hết cỏ trên mặt đất, thì mới may ra trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở này”.

Người ta kể rằng, vào buổi sáng ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhân dân Tà Niên - nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá, vì Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Ông Trực yêu cầu Pháp mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương trước phút ra đi mãi mãi. Ông hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào. Trước khi hy sinh, ông còn khẳng khái nhắc lại: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”

II. Đình (đền) thờ Nguyễn Trung Trực

Ở Phú Quốc không chỉ có 1 mà có tới tận 2 ngôi đình (đền) thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, một đình ở Gành Dầu và một đình ở Cửa Cạn.

1. Đình (đền) thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu Phú Quốc

Đình (đền) thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu Phú Quốc được xem là đình thờ Nguyễn Trung Trực đầu tiên ở Kiên Giang, nơi đây không phải là công trình kiến trúc quá đặc sắc, cũng không phải là địa điểm tham quan Phú Quốc nổi tiếng ai ai cũng biết, mà là một đền thờ trang nghiêm - nơi người dân Phú Quốc ghi nhận công ơn của một trong những con người đáng kính trong lịch sử.

Đền thờ Nhuyễn Trung Trực
Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu Phú Quốc (trước năm 2016)
 

Đền Nguyễn Trung Trực Phú Quốc dù nhiều tuổi nhất trong số các Đền Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang nhưng luôn được chăm sóc, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên, nên vẫn giữ được nét kiến trúc tiêu biểu đình đền của Việt Nam thời trước. Năm 2016, đình được xây mới rất to và đẹp và vẫn giữ được nét trang nghiêm cùng không gian thanh tịnh bên cạnh là di tích đình cũ. 

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Ngôi đền đã được tu sửa và xây dựng mới khang trang hơn vào năm 2016
 

Đền thờ của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực nằm uy nghi và tĩnh lặng trên một con đường nhỏ ngay gần ngay mũi Gành Dầu. Ngôi đền có khoảng sân rất rộng rãi hai bên là hai hồ sen thanh mát, bên trong khu đền treo rất nhiều những bức tranh mô tả lại những trận đánh oai hùng của Nguyễn Trung Trực cùng các vị tướng khác.

Bên cạnh đó, những vật chứng liên quan đến cuộc chiến tranh chống Pháp tại đảo Phú Quốc cũng được trưng bày ở đây, đó là những thanh gươm, thanh kiếm, dùi, trống, chiêng, được trưng bày trang trọng trong những lồng kính và chú thích về lịch sử rõ ràng. Bên trong chính điện thờ là bài vị những vị anh hùng liên quan đến cuộc khởi nghĩa ấy, phải kể đến như: tướng Nguyễn Trung Trực, lãnh binh Lâm Quang Ky, tướng quân Trương Nam Hải, phó cơ Nguyễn Hiền Điều, và các vị Hậu hiền, Tiền hiền... vân vân

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Bàn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực trong ngôi đình
 
Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Không khí trang nghiêm, thanh tịnh trong ngôi đền
 
Để đến đền thờ Nguyễn Trung Trực ở xã Gành Dầu từ trung tâm thị trấn Dương Dông thì bạn hãy đi thẳng theo đường ĐT45 (Cửa Cạn - Gành Dầu) đến gần bãi biển Gành Dầu là bạn đã đến gần ngôi đền này rồi, từ đây bạn có thể hỏi người dân xung quanh để biết đường đi.

2. Đình (đền) thờ Nguyễn Trung Trực ở Cửa Cạn Phú Quốc

Đình thờ ở xã Cửa Cạn là ngôi đình thứ 2 trên đảo Phú Quốc thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ngôi đình này cùng mới được xây dựng lại trên địa điểm cũ của đình vào năm 2017. Đình được xây dựng theo kiến trúc đình Việt Nam, trước cổng đình được ghi hai câu thơ của nhà thờ Huỳnh Mẫn Đạt viết về hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực:

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở xã Cửa Cạn Phú Quốc
 
Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực hiên ngang bất khuất
 

Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở xã Cửa Cạn cũng nằm trên cung đường ĐT45, để đến được ngôi đền này bạn cũng đi theo đường ĐT45 đến qua cầu Cửa Cạn có một ngã tư thì bạn rẽ phải rồi đi thẳng khoảng 3 km thì rẽ phải tiếp rồi đi thêm 1 đoạn nữa là bạn có thể đến được đền thờ Nguyễn Trung Trực ở xã Cửa Cạn.

Đến với đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc, bạn không chỉ được một lần nữa ôn lại lịch sử hào hùng về con người vĩ đại này. Mà còn là nơi để chúng ta sống chậm lại, bình yên hơn một chút.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Đến Phú Quốc hãy nhé ghé thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực
 

Đến Phú Quốc, bạn hãy ghé thăm hai ngôi đình (đền) thờ Nguyễn Trung Trực ở Cửa Cạn và Gành Dầu để tưởng niệm cho những người anh hùng đáng kính đã hi sinh vì độc lập dân độc.

Tham khảo thêm tour du lịch Phú Quốccombo Free&Easy Phú Quốc của Cattour – công ty du lịch hàng đầu.
Thông tin hữu ích:

Chúc bạn có một chuyến du lịch Phú Quốc thú vị, vui vẻ và an toàn!!!

Đoàn Thư / Khamphaphuquoc.vn - Ảnh: Internet


Xem thêm: Đền thờ Nguyễn Trung Trực

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục